Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Đừng để bất cứ thứ gì “nắm giữ” bạn.

P/S: Khai trương Blog đầu xuân. Tự viết cho mình. Chỉ vì nhiều bài học khó, học hoài chưa thuộc nên đành phải viết ra.

1- Một hình ảnh đơn giản, dễ nhớ về việc bị “nắm giữ”: Con sư tử đang săn mồi.

Khi xem thế giới động vật ta thấy một (hoặc nhiều) con sư tử đang rình mồi(một hoặc vài con nai, trâu rừng, dê rừng...) hẳn hầu hết chúng ta đều đều thấy xót thương cho con mồi, rằng “tội nghiệp quá, trước sau gì rồi mày cũng tiêu thôi con ạ”. Nhưng thực ra, nếu chịu khó để ý một tí, ta có thể thấy sư tử cũng rất đáng thương. Tuy ở địa vị là kẻ săn mồi, nó gần như bị con mồi “nắm giữ” và “điều khiển” hoàn toàn. Con mồi không hề biết về sự hiện diện của sư tử; nó vẫn chạy nhảy tung tăng, an nhiên gặm cỏ... Còn sư tử gần như bị “dính chặt” vào mồi. Nó nín thở, lăn lê, bò, trườn để tiếp cận càng gần con mồi càng tốt. Hễ chú mồi chỉ cần có một trong các biểu hiện: đứng im lại, nhìn ngó xung quanh, dóng tai lên nghe ngóng, quay đầu lại...thì y như rằng sư tử cũng nín thở, rạp người xuống, chùn chân theo như một con rối bị giật dây. Nó như cái bóng của con mồi. Có khi rất lâu mà sư tử vẫn chưa tiếp cận gần đủ để tung cú nhảy vồ mồi. Kể cả khi đã quăng mình đuổi theo con mồi, xác suất bắt được mồi cũng không phải là 100%(nếu không muốn nói là xác suất thành công khá thấp). Rất nhiều trường hợp sư tử, dù cố đến giọt sức cuối cùng cũng không thể đuổi kịp con mồi. Nhiều gia đình sư tử bị bỏ đói, sư tử con bị chết. Trong nhiều trường hợp, đụng những con mồi khó xơi như trâu rừng...thì sư tử nhiều khi bị húc cho lòi ruột, sức tàn lực kiệt, thậm chí bị tử thương trong những cuộc đi săn. Dù trước đó nó cũng đã mất nhiều thời gian và sức lực bị “dính chặt”, “nắm giữ” và “điều khiển” bởi con mồi.

Sư tử là vậy. Cọp, mèo hay bất cứ con vật săn mồi nào cũng cũng vậy, luôn bị con mồi làm cho bị “dính chặt”, “điều khiển” và bị “nắm giữ”. Dĩ nhiên nếu chúng không bị “nắm giữ” tức là không tập trung cao độ như vậy, chúng khó mà tồn tại.

2- Hình ảnh con người bị “nắm giữ” bởi vô số “con mồi” quá phức tạp, khó mà vẽ ra được.

Thú săn mồi là vậy, còn con người thì sao? Đúng nghĩa đen, anh ta(cô ta) cũng là một con thú săn mồi thiện chiến. Anh ta cũng trải qua tất cả các giai đoạn của một cuộc đi săn bắt đầu bằng việc rình mồi với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc như chú sư tử kia. Nhưng tệ hơn sư tử, anh ta không chỉ có vài con mồi đơn giản trước mặt mà có hàng vạn con mồi quá ư phức tạp bao quanh, quấn lấy anh ta.  Không như sư tử chỉ đi săn khi bị đói, anh ấy vẫn săn mồi lúc đã đã quá no nê,  lúc chẳng đói chẳng no, lúc đã thừa mứa thức ăn để dành. Sư tử chẳng bao giờ làm vậy. Con người thì luôn ở trang trạng thái đang đi săn hoặc sẵn sàng đi săn; luôn rình mồi; nghĩa là luôn trong trạng thái bị “dính chặt”, “điều khiển” và bị con mồi “nắm giữ”. Kể cả những lúc không biết có nhiều mồi để làm gì, anh ta vẫn tiếp tục đi săn. Không như sư tử, đi săn chỉ phục vụ mỗi một nhu cầu là để ăn, để tồn tại; con người đi săn còn để mặc đẹp, để chơi, để nổi tiếng, sang trọng, để được khen ngợi, để lên chức, để bằng bạn bằng bè, để được khác người, hơn người, để dành dụm mồi...kể cả để làm từ thiện...vv và vv. Kể ra con người còn đáng thương hơn sư tử và nhiều loài thú săn mồi khác vì bị quá nhiều con mồi “chi phối”.

3- Làm sao để vẫn săn mồi mà không bị con mồi nắm giữ: Hình ảnh một người lái xe giỏi.

Dĩ nhiên, để sống, đặc biệt trong một môi trường như bây giờ thì không thể không đi săn được. Trừ một số bậc thánh nhân hiếm hoi ra(cũng chưa chắc?), ai cũng phải đi săn. Vậy làm sao để vẫn đi săn mà không (hoặc hạn chế tối đa việc) bị “dính chặt” vào con mồi, bị con mồi “nắm giữ”, “điều khiển” và “chi phối” hoàn toàn? Hay nói cách khác, liệu con người có thể tồn tại mà không bị “nắm giữ” không? Có thể vẫn “tập trung” vào đối tượng mà mà vẫn không bị đối tượng “chi phối” không? Câu trả lời là dù khó nhưng không phải là không thể.

Thử quan sát một người lái xe chuyên nghiệp. Anh ta hai hai tay cầm vô lăng; hai chân luân phiên đạp côn, thắng, ga; tay phải canh vào số 1, 2, 3, 4, 5 trong lúc tốc độ tăng giảm, bóp còi, bật đèn xi nhan, gạt nước... lúc cần thiết.  Mắt anh ta vẫn nhìn bao quát phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, xung quanh, đèn đỏ, đèn xanh, mặt đường, làn đường, biển báo tốc độ, ưu tiên, và đủ trăm loại biển báo khác; kiểm soát dòng xe trên đường, xe đi trước, xe đi sau, xe hai bên..Tai anh ta có thể nghe nhạc; có người thậm chí còn nghe sách nói, học ngoại ngữ...Mũi anh ta vẫn kiểm soát tốt mùi trong xe để xịt dầu thơm hoặc mở cửa kiếng xuống lúc cần. Miệng anh ta có thể hát theo đĩa nhạc, huýt sáo một bài nào đó; hoặc đôi khi anh ta còn hút thuốc lá. Da (thân) anh ta cảm nhận được nhiệt độ nóng lạnh trong xe để báo hiệu cho não ra lệnh tay vặn nút điều chỉnh tăng giảm nhiệt khi cần. Đầu anh ta vẫn có thể đang suy nghĩ về gia đình, vợ con, công việc hoặc có thể đang ủ mưu tán tỉnh một cô nhân tình nào đó.

Nói chung là khó có thể liệt kê hết được những việc mà tất cả các bộ phận trong cơ thể anh ta đang làm việc cùng một lúc khi anh đang lái xe. Thế nhưng chiếc xe vẫn chạy đều đều, vượt qua bao dòng người đông đúc, bao chướng ngại vật trên đường đi để cuối cùng vẫn về đến đích an toàn mà lại tốn ít thời gian nhất. Hàng vạn chiếc xe vẫn đang lưu hành trên đường theo cách đó . Hình ảnh một anh lái xe giỏi là như vậy. Anh ta cũng là một thợ săn, thậm chí là đang săn nhiều con mồi cùng lúc. Thế nhưng anh ta không bị “nắm giữ” bởi một con mồi nào cả. Vậy nên anh ấy mới an toàn. Nếu (cái tai) anh ấy quá đắm chìm vào âm nhạc, bị “dính chặt” vào bài hát, anh ta có thể chệch tay lái và gây tai nạn ngay. Nếu (mắt) anh ta nhìn thấy một cô gái đẹp trên đường và bị cô ấy “điều khiển”, anh ấy cũng có thể luống cuống tay chân và gây tai nạn. Nếu anh ấy cảm thấy sợ dòng xe đông đúc, sợ bị người khác đụng vào mình; anh ấy bị môi trường xung quanh “nắm giữ” và cũng sẽ rất dễ gây tai nạn. Thế nhưng, giữa hàng trăm yếu tố, giữa vô số “con mồi”, một người tài xế giỏi vẫn không bị “nắm giữ” bởi yếu tố nào cả. Vậy nên anh vẫn cứ thong dong mà lái xe an toàn. Ngược lại cũng rất nhiều vị lái xe dở, chỉ cần bị một yếu tố đã kể trên “nắm giữ” là đủ để anh gây tai nạn cho mình, cho người khác. Hàng vạn người chết mỗi năm vì tại nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy chúng ta có quá nhiều lái xe “không chuyên”, dễ bị các yếu tố bên ngoài lẫn bên trong “nắm giữ”. Muốn không bị “nắm giữ” trong cuộc sống, hãy học người lái xe chuyên nghiệp. 


4- Thử tập áp dụng bài học vào cuộc sống

Viết dài như vậy chứ chỉ cần nhớ tới một hình ảnh con sư tử, hoặc người lái xe thôi ta có thể nhớ ngay câu chuyện. Nhưng nhớ là một chuyện, áp dụng vào cuộc sống lại là chuyện khác, khó khăn hơn rất nhiều; khi ta vẫn luôn trong trạng thái rình mồi, săn mồi mỗi ngày, hàng giờ, thậm chí trong từng phút giây.

Hãy nhớ, đừng để con mồi “nắm giữ” bạn. Đừng để bất cứ thứ gì “nắm giữ” và “điều khiển” bạn. Ai đó đã từng nói “Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Khó nhưng chắc vẫn làm được. 

Khi “rình” một hợp đồng, hãy "rình" cho thật tốt nhưng đừng bị dính vào cái hợp đồng đó; cũng đừng bị dính quá chặt vào những thứ liên quan đến nó. Hãy rình, nhưng vẫn thư giãn. Nếu có được hợp đồng thì tốt. Nếu không lấy được, hãy chúc mừng cho kẻ được nó. Có thể thợ săn kia có đầy đủ yếu tố để xử lý con mồi này tốt hơn bạn(có thể thôi).

Cũng như vậy, hãy “rình” và “săn” một cô gái, cậu trai nếu bạn thích. Nhưng hãy tỉnh táo, đừng quá “lệ thuộc”, bị “nắm giữ” và “điều khiển” bởi cô, cậu ấy. 

Đặt ra một mục tiêu, hãy nên. Hãy lập kế hoạch chi tiết để đạt được những gì mình cần. Nhưng nhớ chớ bị dính quá chặt vào nó, bị nó “nắm giữ” hoàn toàn và không còn thời gian để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp ngoài kia, trong hiện tại. Có mục tiêu rồi, đôi lúc phải biết “tạm quên” nó đi; coi như không cần nó vậy, như ai đó đã nói “cứ để vũ trụ xử lý giúp bạn”. Chẳng mấy ai tin vào lời khuyên này đâu. Nhưng cứ thử tin một lần xem sao. Biết đâu chừng...

Còn khối chuyện trong cuộc sống có thể đem ra làm ví dụ. Nhưng cứ viết mãi thế thì biết bao giờ hết. Thế nên, tạm vậy đã.

Hôm nay mình học(ôn lại) được chừng đó cũng mừng lắm rồi. Có thời gian sẽ chỉnh sửa, bổ sung lại cho chỉn chu hơn. Mà thực ra mọi thứ đều có vẻ đẹp “hoàn hảo” của riêng nó. Chắc bài viết dài loằng ngoằng, dở dang này cũng không phải là một ngoại lệ.

Sài Gòn tối Mùng 8 Tết Ất Mùi-2015

NAT

Không có nhận xét nào: