Những chuyến viễn du
VÀO BẢN NGÃ
“Đường xa nắng mới” là tập bút ký mới nhất của Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, tập hợp những bài viết ký sự du hành của tác giả đến nhiều xứ sở lạ kỳ trên thế giới.
Bắt đầu từ câu chuyện về ngôi làng nhỏ yên
bình của mình ở nước Đức; bằng lối kể chuyện đầy mê hoặc, tác giả đã dẫn dắt người
đọc du hành qua nhiều vùng đất lạ mà điểm dừng chân cuối cùng là mãi tận Kailash
(Ngân Sơn) - ngọn núi thiêng được sùng bái nhất trên quả địa cầu.
Hiếm khi đến những thành phố hoa lệ, hành
trình của tác giả thường là những nơi “thâm sơn cùng cốc”, ví như bám theo lộ
trình ngày xưa của đại sư Huyền Trang qua các sa mạc ở phía Tây Trung Quốc; tới
nhiều điểm trên “con đường tơ lụa” nối liền Á - Âu; đi xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn
hùng vĩ hay lang thang trên những miền đất lạnh lẽo ở Bắc Âu. Đắm mình vào
trang sách, độc giả như được cùng ông cảm nhận sức nóng của “Hỏa Diệm Sơn”; lắng
nghe tiếng sóng vỗ trên Hồng Hải; hồi hộp chờ ngắm núi lửa thức giấc tại
Sicilia hay đón mặt trời lúc nửa đêm tại Mũi Bắc(North Cape) - Na Uy.
Không dừng lại ở những câu chuyện “đường
xa xứ lạ”, sức cuốn hút mãnh liệt từ những trang viết của Nguyễn Tường Bách còn
là nhiều phát hiện bất ngờ và thú vị về mỗi xứ sở, kết tủa từ trải nghiệm và
tri thức. Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới mang đậm nét của Kim Cương Thừa
lại nằm ở Indonesia -quốc
gia có cộng đồng hồi giáo đông nhất thế giới. Cuộc chiến thành Troy lại không
diễn ra trên đất Hy Lạp mà là Thổ Nhĩ Kỳ. Amsterdam là thành phố của những
người không ưa khuôn phép, nơi mà người ta “sẵn sàng phá vỡ mọi lề thói, dám hợp thức
hóa những điều cấm kỵ”. Nhờ
vậy mà “lầu xanh, lầu hồng và cả khu vực tiêu thụ bạch phiến được ghi chính
thức trên bản đồ thành phố”.
Thăm Bồ Đào Nha, tác giả “chứng minh” một cách thuyết phục rằng giáo sĩ Dòng
Tên người Bồ là Francisco de Pina chính là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ
chứ không phải Alexandre de Rhodes, một nhà truyền giáo người Pháp - học trò
của ông.
Bằng bút pháp điêu luyện, dàn hợp xướng
âm thanh từ những đoàn lạc đà, lừa ngựa qua lại trên“con đường tơ lụa” thuở nào được tái hiện sống động. Không chỉ có
thương buôn, vải vóc, trên lưng lạc đà, lừa ngựa còn có những nhà thám hiểm,
truyền giáo, mang theo kinh sách, tư tưởng mà đại diện tiêu biểu nhất đó là
Huyền Trang, một đại dịch sư vĩ đại, nhà thám hiểm và truyền giáo kiệt xuất. Và
cuối cùng, không thể không nhắc đến những đoàn quân hàng vạn người ngựa của các
đế chế hùng mạnh một thời đã băng qua
con đường này trên hành trình chinh phạt.
Dục vọng bành trướng làm những vương triều sụp đổ, xóa sổ một số quốc gia
và kéo theo đó là những nền văn hóa cổ bị chôn vùi. Ngay cả những đế quốc từng bá
chủ thế giới một thời như Bồ Đào Nha, xa hơn là Hy Lạp rồi cũng suy tàn. Cuộc
sống quả thật vô thường.
Trên những nẻo đường du ngoạn, niềm
thương tổ quốc dường như vẫn canh cánh trong lòng tác giả. Một đôi dép Bitis ai
đó bỏ quên trên bờ Hồng Hải cũng khiến “khách” chạnh lòng. Ngược dòng lịch sử, “khách”
vẽ lại lộ trình của sứ thần Phan Thanh Giản dọc con đường tơ lụa trên biển,
xuyên qua Hồng Hải, ghé Ai Cập trước khi cập cảng Marseille để yết kiến vua
Pháp là Napoleon III. Sứ mạng “chuộc” lại ba tỉnh Nam Kỳ không thành và những
đề xuất canh tân đất nước của ông cũng không được xem trọng.
Đọc đến đây, độc giả có thể bắt gặp nỗi
tiếc nuối khi Việt Nam
đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để phát triển và đó vẫn chưa phải là “những lần bỏ lỡ cuối cùng của lịch sử dân
tộc”. Cùng thời điểm đó, Minh
Trị Thiên Hoàng bắt đầu canh tân nước Nhật. Nhìn sang quốc gia láng giềng Thái
Lan, vào năm 1907, vua Thái và đoàn tùy tùng đặt chân đến Mũi Bắc(North Cape ), “điểm cùng trời cuối đất” của lục địa già.
Thế mà “Cũng có những nhà vua Châu Á khác không bao giờ rời ngai vàng đi đâu
cả và tưởng mình biết mọi chuyện trên đời”.
Nguyễn
Tường Bách đặc biệt dành khá nhiều trang viết cho các ngọn núi hùng vĩ như Zugspitze(Đức),
Mont Blanc (Thụy Sĩ-Pháp), Grossglockner (Áo) hay Mytikas trên dãy Olympus tại
Hy Lạp. Tuy vậy, ngoài một lần duy nhất lên đỉnh Zugspitze cao nhất nước Đức
thời sinh viên thì ngay sau đó tác giả đã không còn ý định chinh phục một ngọn
núi nào. Theo ông, “Điểm cao nhất của Núi lại là nơi đáng cho con người quy ngưỡng. Ta
không thể khinh xuất leo lên đó vì một thành tích cá nhân được” bởi “Trong
mi, chứ không phải trên mi, ngự trị những vương quốc cao quý hơn nữa”. Thông suốt như vậy nên dù nhiều lần bị
lỡ những dịp may hiếm có như xem núi lửa Etna phun; ngắm mặt trời mọc lúc nửa
đêm tại Mũi Bắc…thì tác giả cũng không vì thế mà quá phiền muộn. Ngược lại,
những cơ hội bị bỏ lỡ lại khiến ông “ngộ” ra rằng: “Vì mi lấy trái đất làm chuẩn nên
mới thấy mặt trời có lặn có mọc. Thực ra mặt trời không bao giờ mọc hay lặn, nó
luôn luôn có. Cũng thế, vì mi lấy thân vật chất làm tiêu chuẩn nên thấy có sống
có chết. Cái Biết không bao giờ sống hay chết, nó luôn luôn có. Mi chưa từng có
cái Không Biết”. Biết vậy mà cuối
cùng, việc bỏ lỡ cơ hội đi quanh một ngọn núi thiêng vẫn khiến ông không khỏi nuối
tiếc, ngậm ngùi.
“Mười năm qua tôi mơ được đi Ngân Sơn. Gần hai năm qua, chúng
tôi tổ chức cho chuyến hành hương. Nay anh em đã lên đường thật
rồi còn tôi thì nằm đây, trong tòa nhà dưới chân Ngân Sơn và chờ
anh em trở lại. Đoàn tàu đã khởi hành rồi, tôi bị bỏ lại trên sân ga.
Tôi muốn ứa nước mắt”. TS. Nguyễn Tường Bách
Với tác giả “trên thế gian này, còn một ngọn
núi nữa mà đến đó không phải để nhìn vào khuôn mặt của thần chết mà hầu như để
đánh đổi cả đời mình. Tên ngọn
núi đó là Kailash tại Tây Tạng”. Đó là lý do khiến ông dành trọn phần hai
của tập bút ký cho chuyến du hành vượt Hy Mã Lạp Sơn đến chiêm bái Kailash, núi
Tu-Di trên quả địa cầu, nơi được xem là “tâm điểm của mọi xứ sở”.
Vốn là một tiến sĩ vật lý, từng hành hương
nhiều thánh tích Phật giáo, với kiến thức sâu rộng về triết lý nhà Phật và bản
thân cũng là một Phật tử thuần thành, ông đưa ra những kiến giải sâu xa về Kailash
và nhiều vùng đất lạ lùng dọc hành trình chiêm bái. Thêm nữa, người đọc còn thường
xuyên bắt gặp những trải nghiệm tâm linh khác thường của tác giả; những sự việc
khá lạ lùng, kỳ bí xảy ra với đoàn hành hương. Ngoài ra, phảng phất trong những
trang viết còn là nỗi day dứt về thân phận con người trước thời cuộc trớ trêu,
sự bấp bênh của những dân tộc nhược tiểu trong những giai đoạn biến động của
lịch sử…Điều đáng quý là tác giả trung thực đến từng chi tiết. Xác tín điều này
bởi người viết là bạn đồng hành của ông trong suốt những ngày dài đi đảnh lễ Ngân
Sơn.
Đi để được ra khỏi đời sống bình thường. Đi
để làm giàu thêm vốn tri thức và văn hóa. Đi cũng còn để tâm được mở rộng. Gấp
lại tập bút ký, cảm giác đọng lại là trước khi đến một vùng đất mới, tác giả đã
“làm tư liệu” khá công phu về nơi mà mình sẽ đặt chân tới. Thế nên có những địa
danh không quá xa lạ nhưng cách nhìn, cách kể của “khách” nhiều khi vẫn khiến
độc giả không khỏi bất ngờ.
“Đường xa nắng mới” xứng đáng có vị trí trang trọng trên kệ
sách của những người đam mê du lịch thám hiểm, tâm linh. Ngay cả những ai ít xê
dịch nếu suy ngẫm vẫn có thể chiêm nghiệm ra những điều tâm đắc. Đơn giản, với
người viết, “Đường xa nắng mới” là
tập bút - ký - tư - tưởng.
2 nhận xét:
Cuối cùng vẫn giữ lại chữ "bút - ký - tư - tưởng".
Cuối cùng cũng giữ lại chữ "bút - ký - tư - tưởng".
Đăng nhận xét