Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Đọc sách như một nghệ thuật

Trích một đoạn trong cuốn "Đọc sách như một nghệ thuật" của tác giả Mortimer J. Adler: 

Mục tiêu của việc đọc sách: Đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết

Khi đọc một cuốn sách, bạn có thể hiểu rõ mọi điều tác giả trình bày, hoặc không hiểu gì cả. Nhưng ngay cả khi bạn hiểu, nghĩa là bạn có được thông tin, thì cũng chưa hẳn là bạn đã hiểu biết gì thêm. 
Nếu bạn hiểu rõ ràng từ đầu đến cuối, tức là bạn và tác giả có cùng suy nghĩ.  

Trong trường hợp bạn không hiểu rõ cuốn sách nói gì, hay chỉ hiểu ở một mức độ nào đó, bạn biết  rằng cuốn sách ngụ ý nhiều hơn những gì bạn hiểu, và nó có thể hàm chứa nhiều điều làm tăng sự  hiểu biết của bạn. Khi đó bạn sẽ làm gì? Bạn có thể mang cuốn sách đến nhờ người nào hiểu rõ  hơn bạn (một người thật hoặc một cuốn sách khác) giải thích những vướng mắc. Hoặc bạn có  thể quyết định rằng hiểu như thế là đủ, và không cần quan tâm đến những gì vượt quá tầm  hiểu biết của bạn. Cả hai cách giải quyết vấn đề trên đều cho thấy bạn đã không thực hiện  đúng yêu cầu cuốn sách đưa ra về việc đọc.  

Bạn chỉ có thể đọc sách theo một cách duy nhất - tự đọc mà không cần sự trợ giúp nào từ bên  ngoài. Bằng năng lực, trí tuệ của mình, bạn phải tìm cách làm sáng tỏ những con chữ trước mắt sao  cho từ chỗ hiểu ít, bạn dần hiểu nhiều hơn. Sự tiến bộ của bạn đạt được qua quá trình vận dụng trí óc, đào sâu suy nghĩ được gọi là đọc có kỹ năng. Đây là cách đọc những cuốn sách thách thức khả năng hiểu rõ vấn đề của bạn.  

Như vậy, có thể tạm định nghĩa Đọc sách như một nghệ thuật là quá trình vận dụng trí óc của  con người để suy ngẫm về những con chữ, mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài.  Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu ít đến hiểu nhiều. 

Rõ ràng, đây là một kiểu đọc sách tích cực, trong đó không chỉ có nhiều hoạt động, mà còn có nhiều kỹ  năng tiến hành các hoạt động cần thiết khác nhau. Đồng thời, cách đọc này cũng cho thấy có rất  nhiều điều đáng để đọc và cần phải đọc theo cách này nhưng lại thường bị coi là khó đọc, chỉ dành  cho những độc giả giỏi.  

Sự khác biệt giữa đọc để lấy thông tin và đọc để hiểu biết còn phức tạp hơn. Khi ta đọc báo, tạp chí,  hay bất cứ loại tài liệu nào mà ta hoàn toàn hiểu ngay được bằng kỹ năng và trình độ của mình,  thì những điều đó có thẻ tăng thêm lượng thông tin cho chúng ta, nhưng không thể cải thiện  khả năng am hiểu vì mức độ hiểu của ta trước và sau khi đọc vẫn bằng nhau. Đây là đọc để lấy thông tin.  

Khi một người cố gắng đọc một thứ gì đó mà ban đầu họ không hiểu thấu đáo, thì có thể chính thứ đó sẽ  làm tăng khả năng hiểu biết của người đọc. Nếu không có sự mất cân bằng trong chuyển tải vấn  đề giữa tác giả và độc giả, thì con người không bao giờ có thể học hỏi lẫn nhau. Ở đây, từ “học”  nghĩa là hiểu biết thêm, chứ không phải nhớ thêm những thông tin dễ hiểu giống như các  thông tin bạn đã có.  

Một người có trình độ không gặp khó khăn gì trong việc thu thập những thông tin mới qua quá trình  đọc, nếu các dữ kiện đó giống những gì anh ta đã biết. Ví dụ, một người biết và am hiểu một số dữ  kiện về lịch sử nước Mỹ, theo một luồng tư tưởng nào đó, có thể dễ dàng đọc để thu thập thêm thông tin  và vẫn hiểu các thông tin theo cách tương tự. Nhưng giả sử anh ta đọc một cuốn sách lịch sử,  trong đó đưa ra một luồng tư tưởng mới, mang tính khám phá hơn, và anh ta tìm cách để hiểu bằng  được, tức là đọc để hiểu biết, chứ không phải chỉ lấy thông tin. Rõ ràng, người đó đã nâng mình lên  nhờ chính hoạt động của bản thân, mặc dù có sự giúp đỡ gián tiếp của tác giả - người đã mang đến  điều gì đó để dạy người đọc.  

Cách đọc để hiểu xảy ra với hai điều kiện. Một là, có sự chênh lệch ban đầu trong mức độ hiểu.  Tác giả chắc chắn phải hiểu nhiều hơn độc giả, và sách của họ phải chuyển lại những hiểu biết  của họ có nhưng độc giả không có. Hai là, độc giả phải có khả năng vượt qua sự chênh lệch này  ít hay nhiều. Tuy hiếm khi độc giả hiểu được hoàn toàn nhưng luôn hiểu gần bằng tác giả. Khi  đạt được  sự cân bằng, nghĩa là đạt được sự rõ ràng trong thông tin.  

Tóm lại, ta chỉ có thể học từ những người giỏi hơn ta. Ta phải biết họ là ai, và làm cách nào để học  hỏi họ. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể học cách đọc hiệu quả hơn, để hiểu biết hơn bằng chính nỗ  lực của bản thân. Nếu bạn học cách đọc đó, thì việc đọc lấy thông tin sẽ tự diễn ra mà không cần bạn quan tâm.  

Tất nhiên, ngoài việc thu thập thông tin và tăng tầm hiểu biết, việc đọc sách còn nhằm mục tiêu đọc  để giải trí. Nhưng trong cuốn sách này, chúng tôi không quá quan tâm đến vấn đề đọc để giải trí. Đây là  kiểu đọc ít đòi hỏi nhất, và yêu cầu ít nỗ lực nhất. Hơn nữa, hình thức đọc này không tuân theo  quy tắc nào. Bất kỳ ai biết đọc đều có thể đọc để giải trí nếu muốn. Trên thực tế, nếu người ta đọc một cuốn sách để tăng cường hiểu biết, hay có thêm thông tin, thì họ cũng có thể đọc cuốn đó để giải trí. Nhưng ngược lại, không phải mọi cuốn sách phục vụ việc đọc để giải trí có thể dùng để đọc nhằm tăng thêm hiểu biết.

Không có nhận xét nào: