Trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

5 quy luật của ngu ngốc

Bài viết sau do anh Lý Xuân Hải dịch từ một tờ báo Nga. Mình đăng nguyên văn phần “dẫn nhập” (mà mình cho là rất quan trọng) trước khi vào bài dịch của anh Hải. Nguồn bài viết trên facebook Ly Xuan Hai.

Bài viết dành cho những người qua tuổi 30 số 1.

Tôi đọc bài báo này lâu lâu rồi. Lúc mới đọc phần đầu thấy nó không ổn. Nhưng càng đọc càng thấy cái lý của nó. Xin dịch và chia sẻ cùng bạn bè.

Tuy nhiên để đọc, hiểu hết ý nghĩa nội dung bài viết và không bị cực đoan trong suy nghĩ, theo tôi, người đọc cần có những trải nghiệm cuộc sống nhất định... mà tôi tạm cho là những người từ tuổi 30 trở lên.

Một số điểm cần chú ý khi đọc bài báo này, theo tôi, là:

1. Đây là bài viết tôi dịch theo đường link nêu ở 6. Từ góc nhìn khoa học mà nói thì phương pháp nghiên cứu chưa được bài báo chỉ rõ. Phương pháp luận? Các nghiên cứu/thí nghiệm thực hiện thế nào? Cách chọn mẫu? Cách xác định hành động và hậu quả thế nào? Tính khách quan đến đâu? Các số liệu thu thập được thế nào?... không được công bố. Do vậy các bạn có thể nghi ngờ một phần hay toàn bộ các kết quả dưới đây và có quyền coi đây chỉ là câu chuyện vui đầu tuần. Nhưng 5 Quy luật theo tôi là có cơ sở để suy ngẫm.

2. Khái niệm thông minh - ngu ngốc của bài báo này có thể không hoàn toàn giống với nhiều người nghĩ. Thông minh - Ngu ngốc được xác định theo 2 chiều: Hậu quả và Người nhận hậu quả... của mọi hành động của một con người một cách tổng thể... không quan tâm đến khả năng tư duy, kiến thức chuyên ngành. Kiểu như một tiến sỹ Vật lý có thể giỏi Vật lý nhưng làm lãnh đạo doanh nghiệp thì kém và hành động của anh ta gây thiệt hại cho chính mình, doanh nghiệp và một số người khác... thì đó đích thị là một kẻ ngu ngốc.

3. Khái niệm "số lượng" trong bài báo này có nhiều lúc phải hiểu là tỷ lệ.

4. Những vấn đề bài báo nêu có vẻ đúng với mọi tập thể: Nhóm người, doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội. Do vậy nó hữu ích cho tất cả để xem xét.

5. Để rõ hơn, đôi chỗ tôi chú giải thêm. Phần chú giải ấy được để trong ngoặc đơn.

6. Dành cho những người muốn đọc nguyên bản:
https://www.adme.ru/articles/5-zakonov-gluposti-596405/ © AdMe.ru
__________________________________
5 QUY LUẬT CỦA NGU NGỐC

Nhà sử gia - kinh tế học người Ý Carlo Cipolla đã tiếp cận một cách triệt để vấn đề về bản chất của sự ngu ngốc. Sau nhiều năm nghiên cứu ông đã xây dựng 5 quy luật của ngu ngốc mang tính phổ quát trong bất kỳ xã hội nào. Hóa ra là sự ngu ngốc tự thân nó nguy hiểm hơn nhiều so với chúng ta thường quen nghĩ về nó.
I. Quy luật số 1
1. Con người luôn luôn đánh giá thấp số lượng những kẻ ngu ngốc xung quanh mình.
Nghe có vẻ tẻ nhạt và hợm hĩnh, nhưng cuộc sống đã chứng minh chân lý này. Dù bạn có hệ thống đánh giá người khác theo cách nào chăng nữa, bạn sẽ liên tục đối mặt với các tình huống sau đây:
a. Một người luôn trông có vẻ thông minh và duy lý, lại hoá ra là một kẻ ngu ngốc không thể tin được.
b. Những kẻ ngu ngốc luôn luôn xuất hiện ở những nơi bất ngờ nhất và tại thời điểm không thích hợp nhất để phá vỡ tan tành kế hoạch của bạn.
II. Quy luật số 2
1. Xác suất (Khả năng rằng) một người là ngu ngốc, không phụ thuộc vào các phẩm chất khác của người ấy.
Nhiều năm trời theo dõi và thử nghiệm đã khẳng định rằng mọi người không như nhau - một số người ngu ngốc, một số khác thì không - và tố chất ấy dường như được sắp đặt bởi thiên nhiên chứ không phải do các yếu tố văn hóa. Một người là một kẻ ngu ngốc, cũng như việc người ấy có tóc màu đỏ hay có nhóm máu A. Những người ấy được sinh ra đã như vậy dường như bởi ý chí của Định Mệnh.
2. Giáo dục hoàn toàn không liên quan đến xác suất tồn tại một số lượng nhất định những kẻ ngu ngốc trong xã hội.
Điều này đã được khẳng định bởi rất nhiều thí nghiệm trong các trường đại học trên năm nhóm người: sinh viên, nhân viên văn phòng, nhân viên hỗ trợ, nhân viên hành chính và giáo viên. Khi tôi (Carlo Cipolla) phân tích nhóm các nhân viên có tay nghề thấp, số lượng (tỷ lệ) những kẻ ngu ngốc lớn hơn tôi nghĩ - Quy luật Số 1, và tôi đã lý giải rằng đó là do các điều kiện xã hội: nghèo đói, phân biệt đối xử, thiếu nền tảng giáo dục. Tuy nhiên khi phân tích lên cao hơn theo các bậc thang xã hội, tôi (Carlo Cipolla) đã thấy một tỷ lệ như thế trong nhóm những người lao động cổ cồn và sinh viên. Nhưng ấn tượng hơn cả là hoá ra có thể thấy con số tương tự cả trong giới học giả - dù đó là trong một trường cao đẳng tỉnh lẻ hay trường đại học lớn - tỷ lệ những người ngu ngốc cũng y như vậy. Tôi (Carlo Cipolla) kinh ngạc với kết quả ấy đến mức đã quyết định tiến hành thí nghiệm với giới tinh hoa trí tuệ - những người đoạt giải Nobel. Kết quả một lần nữa khẳng định siêu quyền lực của thiên nhiên: số lượng (tỷ lệ) những người đoạt giải Nobel là ngu ngốc cũng y như vậy.
Nội dung của quy luật thứ hai này có vẻ khó chấp nhận, nhưng nhiều thí nghiệm đã xác nhận tính chính xác tuyệt đối của nó. Những người bảo vệ nữ quyền ủng hộ quy luật thứ hai, bởi vì nó khẳng định rằng tỷ lệ những người ngu ngốc là phụ nữ không cao hơn so với nam giới. Những cư dân của thế giới thứ ba sẽ được an ủi bởi thực tế là các nước phát triển cũng không phát triển cho lắm.
Hệ quả của quy luật thứ hai quả là đáng sợ: cho dù bạn sống trong tầng lớp cao nhất của giới quý tộc Anh, hay là sống ở Polynesia và kết bạn với những thợ săn đầu người; cho dù bạn giam mình trong tu viện hay dành phần còn lại của cuộc đời mình ở sòng bạc bao quanh bởi những phụ nữ bán thân nuôi miệng - khắp nơi bạn luôn phải đối mặt với cùng một số lượng những kẻ ngu ngốc và số lượng ấy sẽ luôn luôn vượt quá hình dung của bạn - Quy Luật số 1.
III. Quy luật thứ 3
1. Định nghĩa ngu ngốc: Kẻ ngu ngốc - đó là kẻ có những hành động gây ra thiệt hại cho người khác hoặc nhóm người khác trong khi đó không mang lại lợi ích cho mình, hoặc còn làm hại chính mình.
Quy luật thứ ba đề xuất phân chia mọi người được thành 4 loại (theo hậu quả hành động đối với bản thân và người khác): Những người nông cạn (P), những người thông minh (T), những kẻ cướp (C) và những kẻ ngu ngốc (N). .
Nếu Tý có những hành động mang lại thiệt hại cho mình mà lại có lợi cho Tèo, thì Tý là người nông cạn (P). Nếu Tý làm việc gì đó mang lại lợi ích cho chính anh ta và cả Tèo thì cậu ta là 1 người thông minh vì đã hành động một cách khôn ngoan (T). Nếu hành động của Tý chỉ mang lợi cho chính anh ta và làm cho Tèo bị thiệt hại thì Tý là một tên kẻ cướp (C). Và cuối cùng, nếu Tý làm điều gì đó gây thiệt hại cho mọi người và cho chính mình hoặc chí ít anh ta cũng không được lợi lộc gì... thì anh ta là kẻ ngu ngốc (N).
Không khó để hình dung mức độ thiệt hại có thể gây ra bởi những kẻ ngu ngốc nếu họ làm trong các cơ quan hành chính nhà nước và do đó được hưởng quyền lực chính trị và xã hội.
Ở đây đáng làm rõ vì sao kẻ ngu ngốc nguy hiểm cho xã hội?
a. Những kẻ ngu ngốc nguy hiểm bởi vì những người duy lý khó có thể hình dung logic của hành vi không hợp lý. Một người khôn ngoan có thể hiểu được logic của một tên kẻ cướp, bởi vì bản thân tên cướp có logic của chúng - hắn đơn giản chỉ muốn có được nhiều của cải hơn đáng ra hắn được hưởng (bằng cách sử dụng quyền lực sức mạnh) do không thể làm ra của cải bằng trí tuệ. Hành vi của bọn kẻ cướp là có thể dự đoán được, nên có thể xây dựng hệ thống bảo vệ (pháp luật) chống lại chúng. Trong khi đó dự đoán các hành động của một kẻ ngu ngốc là không thể. Hắn làm hại bạn không có lý do (hợp lý), không có mục đích (không thấy rõ mục đích), không dự định trước, tại địa điểm bất ngờ nhất, vào thời điểm không ngờ nhất. Bạn không có cách nào để dự đoán khi nào thì một kẻ ngu ngốc sẽ xuống tay làm hại bạn. Đối đầu với một kẻ ngu ngốc, người thông minh đặt mình vào thế đối mặt với một kẻ được sinh ra một cách ngẫu nhiên và hành động theo những quy tắc không thể nào hiểu được bởi người thông minh.
Do vậy việc ra đòn (hành động) của kẻ ngu ngốc thường là rất bất ngờ!
b. Ngay cả khi việc kẻ ngốc sẽ ra đòn (hành động) trở nên rõ ràng, rất khó để bảo vệ hay chống lại bởi vì hành động không có một cấu trúc (diễn biến) hợp lý (với người duy lý).
Vì thế Schiller đã viết: "Chống lại sự ngu ngốc thậm chí các vị thần linh cũng bất lực".
IV. Quy luật thứ tư
Những người không ngu ngốc luôn luôn đánh giá thấp khả năng phá hoại của kẻ ngu ngốc.
Cụ thể, những người không ngốc luôn quên rằng quan hệ với một kẻ ngu ngốc vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào là một sai lầm mà bạn sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.
Những người nông cạn P thường không có khả năng nhận ra sự nguy hiểm của những kẻ ngu ngốc N là điều không ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả những người thông minh (T) và cả những kẻ cướp (C) cũng không đánh giá hết sức tàn phá của những kẻ ngu ngốc. Giao tiếp với kẻ ngốc, họ thường mất cảnh giác và tận hưởng sự ưu việt về trí tuệ của mình, thay vì phải khẩn trương kết hợp với nhau để giảm thiểu thiệt hại khi kẻ ngu ngốc thảy ra một trò gì đó.
Có một kiểu suy nghĩ rập khuôn khá phổ biến rằng kẻ ngu ngốc chỉ làm hại chính mình. Không. Không nên nhầm lẫn kẻ ngu ngốc với một kẻ nông cạn bất lực. Đừng bao giờ gia nhập vào liên minh với kẻ ngu ngốc với ý đồ sử dụng họ cho lợi ích riêng của mình. Nếu bạn làm thế, rõ ràng là bạn không hiểu được bản chất của sự ngu ngốc. Bằng cách ấy chính bạn đã cung cấp cho kẻ ngu ngốc một sân chơi nơi anh ta có thể tung hoành ngang dọc và gây ra thiệt hại khủng khiếp hơn nữa.
V. Quy luật thứ năm
Ngu ngốc là loại nhân cách nguy hiểm nhất.
Hệ quả: kẻ ngu ngốc nguy hiểm hơn kẻ cướp.
Kết quả hành động của một tên cướp điển hình đơn thuần chỉ là sự chuyển giao tài sản từ người này sang người khác. Một cách tổng thể xã hội không nghèo đi cũng như không giàu lên. Nếu tất cả các thành viên của xã hội đều là những tên kẻ cướp, xã hội sẽ dần băng hoại, nhưng thảm họa chắc là không xảy ra. Toàn bộ cơ chế vận hành xã hội sẽ dẫn đến sự chuyển giao của cải xã hội sang những người đang hành động vì việc (chuyển giao) này. Và bởi vì tất cả các thành viên xã hội đều là những tên kẻ cướp điển hình, hệ thống (xã hội) sẽ đạt được sự ổn định. Điều này dễ thấy ở bất cứ đất nước nào nơi mà chính quyền thì tham nhũng còn người dân thường xuyên bất chấp pháp luật.
Tuy nhiên nếu kẻ ngu ngốc bước ra vũ đài, bức tranh thay đổi hoàn toàn. Những kẻ ngu ngốc gây thiệt hại mà không tạo ra bất kỳ của cải nào. Của cải (tài sản) của xã hội bị tiêu hủy và xã hội nghèo đi.
Lịch sử khẳng định rằng, một quốc gia sẽ phát triển vào thời điểm mà lãnh đạo đất nước là những người đủ thông minh để kìm giữ hành động của những kẻ ngu ngốc và không để cho chúng phá hủy những tài sản mà những người thông minh đã tạo ra. Ở những quốc gia bị suy tàn, số lượng những kẻ ngu ngốc cũng chừng đó nhưng sẽ thấy xu thế ở tầng lớp lãnh đạo ngày càng nhiều những kẻ cướp ngu ngốc và ngày càng tăng thêm những kẻ nông cạn ngây thơ trong số những người còn lại. Xu thế này làm sức phá huỷ của những kẻ ngu ngốc trở nên khủng khiếp đủ để cả đất nước lao xuống địa ngục./.

Không có nhận xét nào: